Nguồn gốc – chủng loại
Táo Fuji (tên khoa học Malus domestica) là thành công của kết quả lai tạo khi lai hai giống táo Hoa Kỳ là “Red Delicious” và “Virginia Ralls Janet”. Fuji lần đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản vào những năm 1930. Giống táo này được đặt theo tên ngọn núi thiêng liêng nhất của Nhật Bản, núi Phú Sĩ, đồng thời cũng đặt tên theo Fujisaki, vị trí của trung tâm nghiên cứu nơi chúng được phát triển. Chúng đã được đưa ra thị trường vào năm 1962 và đã được đưa ra thị trường thương mại tại Hoa Kỳ vào những năm 1980.
Táo Fuji có kích thước trung bình đến lớn. Vỏ táo dày, có màu đỏ nhạt pha với nền vàng nhạt, và đôi khi có sọc dọc màu đỏ. Thịt táo chắc, màu trắng, nhiều nước. Táo ăn rất giòn với vị ngọt ấn tượng. Hàm lượng axit thấp, hương thơm nhẹ nhưng rất ngọt ngào với vị của mật ong và cam quýt.
Xuất xứ – mùa vụ
Mùa vụ: Táo Fuji được thu hoạch vào tháng 10 và có mặt trên thị trường từ tháng 10 đến tháng 8 năm sau
Xuất xứ: Mỹ
Giá trị dinh dưỡng
Táo Fuji chứa Vitamin A và C, cũng như lượng folate và kali. Chúng là nguồn chất xơ hòa tan và không tan dồi dào, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và thúc đẩy sự tiêu hóa lành mạnh. Một trái táo Fuji cỡ trung có chứa khoảng 80 calo.
Lượng magiê và kali trong táo Mỹ giúp điều chỉnh áp suất máu và giữ cho nhịp đập tim ở mức ổn định, chất chống ôxy hoá tự nhiên giúp bảo vệ thành mạch máu.
Vỏ Táo giàu chất xơ và có lợi cho hệ tiêu hóa, hơn 1 nửa lượng vitamin C của quả táo đều nằm ở vỏ.
Đường tự nhiên trong táo không ảnh hưởng tới bệnh nhân tiểu đường.
Chất kẽm trong táo làm tăng khả năng ghi nhớ của não người. Mặt khác, kẽm còn phối hợp với một số chất để tạo ra kháng thể, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể. Ngoài ra táo còn chứa các nguyên tố vi lượng khác như canxi, kali, sắt, phốtpho, các vitamin C, B1, B2.
Hướng dẫn bảo quản và sử dụng
Vỏ táo Fuji cũng như phần thịt dày nên khi nấu không bị nát. Ngoài việc ăn trực tiếp, táo Fuji còn dùng để làm bánh táo nướng, xào, dùng làm nước sốt, làm pizza, các món tráng miệng,… Hương vị ngọt ngào của chúng vẫn nguyên vẹn ngay cả khi nấu lên.
Để táo không bị thâm, ta cắt táo rồi nhúng qua nước lạnh có pha vài giọt chanh hoặc muối loãng.
Nhiệt độ bảo quản
+ Bảo quản kho công nghiệp: từ 0 đến 4 độ C. Táo sẽ giữ được độ tươi, độ giòn trong vòng từ 1-3 tháng. Sau thời gian này, táo sẽ ngọt hơn, độ giòn (PSI) trở nên thấp hơn (xốp hơn).
+ Bảo quản tại nhà: Tủ lạnh từ 4 đến 8 độ C: Táo giữ được độ tươi, độ giòn trong vòng 1-4 tuần. Sau thời gian này, táo sẽ ngọt hơn, độ PSI thấp hơn (táo xốp hơn). Cần tránh để táo với các thực phẩm có mùi khác như hành, tỏi, táo sẽ dễ nhiễm mùi.
Các trường hợp cần lưu ý
+ Táo bị thâm bên trong: Vỏ quả táo rất khỏe và hơn nữa nó thường được tráng một lớp sáp ong trước khi xuất khẩu (táo Washington) nên táo rất ít khi hỏng từ bên ngoài và nhìn bằng mắt thường trừ khi vỏ bị dập do va chạm trong quá trình vận chuyển. Cuống táo là nơi nhạy cảm nhất, thường chỉ một vết xước ở cuống, hoặc có nước đọng nơi cuống cũng sẽ dễ dàng giúp cho vi khuẩn thâm nhập quả táo và làm hỏng táo từ bên trong.
+ Táo bị xốp: Táo bị xốp không phải là táo hỏng mà do là độ giòn (PSI) bị giảm đi. Nhiều người lại thích ăn táo xốp vì nó không quá cứng, nhất là khi cho trẻ em ăn. Táo xốp thường rất ngọt. Táo xốp vẫn đảm bảo chất lượng và hàm lượng vitamin trong quả. Táo xốp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là bản thân quả táo khi hái đã có mức độ chín hơi quá nên kể cả khi bảo quản lạnh đúng tiêu chuẩn, nó vẫn chín nhanh hơn, và trở nên xốp hơn. Thứ 2 là do lỗi quá trình bảo quản nhiệt độ không đúng tiêu chuẩn làm táo chín nhanh hơn.